Cựu sinh viên

Trưởng thành từ mái nhà Lương Văn Can, các cựu sinh viên Lương Văn Can hiện đang làm việc ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Không còn là những cô cậu bé ngày nào rụt rè bước chân vào cuộc phỏng vấn lần đầu tiên tại văn phòng Quỹ, các bạn đã lớn lên với nhiều trải nghiệm phong phú, tích lũy kinh nghiệm sống và tự tin, vững vàng bước vào đời. Có bạn đang là bác sĩ, giáo viên, có bạn làm việc tại các công ty nước ngoài, có bạn hiện vẫn đang theo đuổi việc học ở một đất nước khác. Dù ở ngành nghề nào, tất cả họ đều có một đặc điểm chung: thành viên của đại gia đình Lương Văn Can, và hầu như chưa bao giờ rời khỏi mái nhà này, vì các cựu sinh viên hiện vẫn tiếp tục gắn bó với Quỹ Lương Văn Can bằng cách hỗ trợ và dìu dắt các lớp sinh viên kế cận.

Bùi Hữu Nghị
Nhân viên Kinh doanh
Công ty TNHH Syngenta Việt Nam
Tôi sinh ra ở một vùng quê nông nghiệp, cuộc sống gắn liền với ruộng lúa, liếp rau. Chính vì thế tôi rất thương sự lam lũ của ba mẹ mình và cô bác nông dân quanh năm chân lắm tay bùn. Ngay từ nhỏ tôi đã ấp ủ ước mơ trở thành kỹ sư nông nghiệp, mang những kiến thức và kỹ thuật tiến bộ đến với người nông dân quê nhà. Tuy hoàn cảnh gia đình khó khăn, nhưng ba mẹ luôn ủng hộ hai anh em tôi theo đuổi con đường học vấn. Thấu hiểu công ơn to lớn đó, anh em tôi phấn đấu học tập thật tốt để ba mẹ vui lòng. Năm 2019, tôi tốt nghiệp Thủ khoa chuyên ngành Bảo vệ thực vật trường Đại học An Giang, thật hạnh phúc khi thấy được ánh mắt tự hào của ba mẹ trong ngày tôi tốt nghiệp. Hiện tại tôi đang là nhân viên kinh doanh của Syngenta Việt Nam - Tập đoàn hàng đầu thế giới trong lĩnh vực nông nghiệp, công việc vừa đúng với mơ ước, vừa giúp tôi cải thiện điều kiện sống cho gia đình. Hy vọng trong tương lai tôi có thể gắn bó với công việc đúng chuyên môn và giúp nhà nông làm giàu từ mảnh ruộng quê hương.
Đinh Nguyễn Thuỳ Lĩnh
Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Vinatex TP.HCM
Do biến chứng của cơn sốt cao đột ngột, tôi đã bị bại liệt toàn thân lúc lên hai tuổi. Ngoài việc trang trải cuộc sống hằng ngày, bố mẹ càng vất vả hơn khi phải chật vật lo lắng tìm mọi cách chữa trị cho tôi. Sau bao nhiêu năm ngược xuôi các bệnh viện ngoài Bắc vô Nam, từ phải nằm một chỗ thì tôi cũng chống gậy tự đi tập tễnh bằng đôi chân của mình. Dù sức khỏe kém cùng với ốm đau liên miên nhưng ước mơ được tới trường vào lúc đó dù chỉ là để mình biết thêm con chữ luôn là niềm hào hứng, là động lực sống trong tôi. Vẫn nhớ như in những ngày đầu mẹ cõng tới lớp, tôi đã rất sợ và ngại ngùng bởi những ánh mắt tò mò kèm theo lời nói chọc ghẹo của bạn bè. Thế nhưng nhờ sự động viên của mọi người và những nỗ lực của bản thân, tôi đã vượt qua tất cả. Ước mơ của tôi sau này là được làm việc tại các Tổ chức phi chính phủ để tham gia các dự án, hoạt động phát triển cộng đồng. Tôi hy vọng rằng mình sẽ đóng góp cũng như xây dựng được các dự án để giúp người khuyết tật có thể có một cuộc sống tốt hơn.
Đinh Thị Mỹ Duyên
Học viên Thạc sĩ
Đại học Gothenburg (Thụy Điển)
Lớn lên ở vùng đất đỏ Tây Nguyên, thu nhập chính của gia đình tôi đến từ cà phê - rất bấp bênh vì phụ thuộc nhiều vào thời tiết, chi phí chăm sóc đắt đỏ, giá bán thấp và chủ yếu là lấy công làm lời, nhưng ba mẹ tôi luôn cố gắng để tôi và 02 em trai nhận được sự giáo dục tốt nhất. Với mục tiêu học để thay đổi cuộc sống của bản thân, cũng như gia đình và mọi người xung quanh, tôi từ nhỏ đã luôn tự nhủ phải nỗ lực hết sức mình. Tôi luôn nỗ lực để trở thành một người truyền cảm hứng. Tôi mong muốn phát triển sự nghiệp Tư vấn trong các lĩnh vực liên quan đến nền kinh tế kỹ thuật số, lao động chất lượng cao và đầu tư toàn cầu, để hỗ trợ thúc đẩy năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp nội địa và thúc đẩy đầu tư trong nước. Sau 2,5 năm làm việc trong lĩnh vực Dịch vụ và Đầu tư, hiện tại, tôi đang theo học chương trình Thạc sĩ Innovation and Industrial Management ở Thụy Điển. Tôi hy vọng những trải nghiệm quốc tế này sẽ giúp tôi tiến xa hơn trên con đường thực hiện ước mơ của mình.

Bài viết liên quan