Quỹ Lương Văn Can tổ chức Lớp học tử tế, khóa 2 dành cho cộng đồng

Lớp học Tử tế, khóa 1 – mùa hè 2022 đã để lại nhiều cảm xúc và ấn tượng đối với các học viên tham dự cả về chất lượng lẫn nội dung chương trình. Tiếp nối thành công ấy, Lớp học Tử tế, mùa hè 2023 quay trở lại với chủ đề: Bạn học gì khi học phổ thông, hướng tới việc tạo dựng một không gian cởi mở để người học được tiếp cận những môn học quen thuộc với lăng kính mới mẻ hơn. Khóa học thứ 2 của lớp học đã nhận về hơn 100 đơn đăng ký của các ứng viên ở nhiều độ tuổi khác nhau. Các ứng viên đã thể hiện sự quan tâm và tinh thần rộng mở với các vấn đề xã hội chung quanh mình, điều khiến ban tuyển sinh thật sự cân nhắc trong quá trình xét duyệt hồ sơ. Sau 1 tuần xem xét, Ban tuyển sinh đã lựa chọn 30 học viên xuất sắc cho lớp học năm nay.

Ngày học đầu tiên 06/7/2023: Sinh hoạt lớp & Buổi học mở đầu: Học tử tế – Phải trái đúng sai

Khởi động ngày học đầu tiên, cô giáo chủ nhiệm – Nguyễn Thị Thanh Thảo và lớp trưởng – Nguyễn Triều Trung đã cùng các bạn học viên điểm qua quy tắc của lớp học, đồng thời, giới thiệu với học viên nội dung 4 ngày học của lớp học Tử tế khóa 2. Sau phần giới thiệu này, học viên đến ngay  học phần đầu tiên của buổi sáng với sự hướng dẫn của thầy Hoàng Minh Thông. Với mục tiêu dẫn dắt học viên tiếp cận với Tử tế một cách khoa học, thầy Thông chia bài giảng của mình thành 4 mục rõ ràng, bao gồm:

  • Hiểu thế nào là “tử tế”?
  • Hiểu thế nào là “học tử tế”?`
  • Chân dung của một “người học tử tế”?
  • Học tập tử tế: hành trình hay đích đến?

 Ở mỗi đề mục, thầy Thông đề xuất các khái niệm và đa dạng cách tiếp cận giúp học viên có thể quan sát “tử tế” theo nhiều chiều kích từ đó tự hình thành cho mình cách định nghĩa về “tử tế” khác nhau. 

Các học viên bắt đầu tiết học buổi chiều vào 13h30 với môn Giáo dục công dân do thầy Lê Nguyễn Duy Hậu phụ trách. Trong tiết học của mình, thầy Hậu đã mở ra một không gian thảo luận sôi nổi khi dẫn dắt học viên đến với các thảo luận liên quan đến luân lý và đạo đức bằng cách đưa ra các chủ đề tranh luận diễn ra hằng ngày. 

“People are more than one thing”

Khi nhìn nhận về một vấn đề, trước khi đưa ra nhận định, chúng ta cần dành thời gian để nhìn sâu hơn, rằng “khi một người phản đối thì họ đang muốn ủng hộ điều nào khác”. Với việc chậm lại này, bạn sẽ thấy cảm thông hơn với sự lựa chọn của một cá nhân cũng như để các nhận định cá nhân trở nên khách quan hơn. Trong suốt quá trình giảng dạy, thầy Hậu không cố gắng áp đặt suy nghĩ cố định nào với  học viên, thay vào đó, thầy cố gắng mở rộng vấn đề và đưa ra nhiều câu hỏi hơn, giúp học viên có thể hiểu sâu hơn về vấn đề mình đang quan tâm.

Ngày học thứ hai 07/7/2023: Lịch sử – Nghệ thuật

Các học viên đến với ngày học thứ hai với môn Lịch sử vào buổi sáng và môn Nghệ thuật vào buổi chiều. Trong tiết học sáng, thầy Phan Khắc Huy đã đưa các bạn học viên quay về môn lịch sử bằng một lăng kính đầy mới lạ khi phân tích cách thức mà môn lịch sử đang được giảng dạy. Theo thầy Khắc Huy, môn lịch sử đang tiếp cận với người học dưới ba hình thức: 

  • Thông sử: Liệt kê chi tiết và lớp lang các giai đoạn lịch sử cùng với đó là sự kiện diễn ra tương ứng 
  • Lịch sử theo chuyên đề: Môn lịch sử được giảng dạy thông qua hình thức gặp gỡ, thăm viếng các địa danh, cá nhân gắn liền với sự kiện hoặc sử liệu được tìm thấy
  • Lịch sử lội ngược dòng: Từ một sử liệu có trước, các nhà nghiên cứu theo vết, lần lại quá khứ để xác thực độ tin cậy của sử liệu đó 

Với mỗi hình thức, thầy Khắc Huy đều nêu rõ ưu-nhược điểm cũng như những vấn đề mà người học sử phải đối mặt. Dù là áp dụng hình thức nào thì người học sử cũng cần quan tâm đến hai yếu tố cốt lõi là (1) sử liệu và (2) phương pháp phân tích sử liệu. Nếu người học không hình thành tư duy phản biện với hai yếu tố này, người học rất dễ tiếp thu những thông tin sai lệch hoặc có những tranh cãi không đáng có với các vấn đề lịch sử.

Vào buổi chiều, các bạn học viên cùng nhau đến với lớp học Nghệ thuật do cô giáo Lê An và trợ giảng hướng dẫn. Cô giáo Lê An đã lồng ghép vào lớp nghệ thuật các bài học chữa lành, giúp học viên có cơ hội được lắng nghe chính mình và bạn bè cùng lớp. Các hoạt động hóa thân Yes… and, viết ghi chú giúp các bạn trải nghiệm đa dạng các cảm xúc khi nghe và lắng những học viên cùng lớp.

Ngày học thứ ba 08/7/2023: STEAM – Giáo dục địa phương

Buổi học thứ 3 bắt đầu trong sự mong chờ của các học viên và của cả những người tổ chức. STEAM/ STEM đang là mô hình giáo dục được áp dụng rộng rãi tại Việt Nam trong giai đoạn hội nhập. Thầy Nguyễn Thành Hải đã lần lượt dẫn dắt các bạn học viên hiểu hơn về mô hình giáo dục này thông qua các thí nghiệm ứng cụ thể, từ đó có cho mình những rút tỉa nhất định về STEAM/ STEM. Nhiều chia sẻ thú vị được các bạn học viên bày tỏ với giáo viên đứng lớp và bạn học góp phần giúp cho buổi học có thêm nhiều chất liệu soi chiếu, nhiều ý tưởng cho việc dạy học của các học viên lớp.

Vào buổi chiều, các bạn học viên cùng nhau trải nghiệm lớp học địa phương với sự dẫn dắt của anh Nguyễn Hữu Lộc. Bằng kinh nghiệm và vốn tri thức phong phú, anh Hữu Lộc đã đưa các bạn học viên quay trở lại những đoạn lịch sử thăng trầm của Việt Nam và thế giới. Trong quá trình “đọc bảo tàng” tại không gian của Bảo tàng lịch sử Việt Nam, các bạn học viên có cơ hội trao đổi với anh Lộc về những thắc mắc về các sự kiện, thời điểm lịch sử của Việt Nam. Anh Lộc đã giúp các bạn tiếp cận với hiện vật trưng bày tại bảo tàng thông qua diễn tả trực quan và thảo luận trực tiếp, giúp các bạn ghi nhớ và có nhiều hứng thú hơn đối với các hoạt động tại bảo tàng ở TP.HCM nói chung cũng như với bảo tàng Lịch sử Việt Nam nói riêng.

Ngày học thứ tư 09/7/2023: Văn học – Thảo luận tổng kết lớp học

Trong ngày học cuối cùng, các bạn học viên đến với môn Văn học với sự dẫn dắt của Tiến sĩ Nguyễn Nam, hiện công tác tại đại học Fulbright Việt Nam, khoa Việt Nam học. Với vốn hiểu biết rộng cùng kinh nghiệm nghiên cứu chuyên sâu, tiến sĩ Nguyễn Nam đã đưa các bạn học sinh tiếp cận sự “Tử tế” thông qua đa dạng các lăng kính, từ cổ chí kim, từ Đông sang Tây. Theo thầy Nam, “Tử tế” không phải là một điều gì quá lớn lao, dù trong bất kể nền văn hóa nào hay tác phẩm nào. Khi chúng ta nói về Tử tế, tức là chúng ta nói đến việc mình chú tâm, quan tâm, tập trung vào những điều nhỏ nhất trong đời sống của mình, hay có thể hiểu là cách mà chúng ta ứng xử với người chung quanh. Khi chúng ta tập trung vào những điều ấy, chúng ta sẽ hành động một cách chu đáo nhất, kĩ càng nhất cũng như đặt tâm sức của mình tốt nhất. 

Trong buổi tổng kết chương trình, các bạn học viên đã cùng nhau báo cáo bài tập lớn, được Ban cán sự lớp giao cho mỗi nhóm hoạt động từ những buổi học đầu tiên. Trong quá trình trình bày, các bạn cũng đã có cho mình cơ hội điểm lại những nội dung học được trong các buổi học trước đó và rút tỉa được cho bản thân góc nhìn mới về việc tử tế. Quỹ hỗ trợ tài năng Lương Văn Can xin trân trọng gửi lời cảm ơn đến các nhà tài trợ và các vị diễn giả đã dành thời gian, tâm huyết tham gia chia sẻ với các bạn học viên. Hy vọng qua chương trình, các bạn học viên có thể hình thành và trang bị những kiến thức, kĩ năng phù hợp cho tương lai.

Tổng hợp tin: Ban truyền thông LVCF