Phạm Minh Trung là sinh viên năm 2 ngành Tâm lý học của Đại học Văn Hiến. Minh Trung nhận học bổng Lương Văn Can từ năm 2018. Cậu bạn với vóc người nhỏ bé và nụ cười hiền lành ấy từng gây ấn tượng với Hội đồng tuyển chọn bởi sự tự lập và kiên định trong các kế hoạch của mình. Nếu chưa gặp Trung, có lẽ không ai có thể biết được cậu bạn tháo vát ấy lại không thể nhìn được…

Sinh ra và lớn lên tại vùng đất cao nguyên đầy nắng và gió, những tưởng Minh Trung sẽ có một tuổi thơ êm đềm như bao đứa trẻ khác, được thỏa thích khám phá, chơi đùa. Thế nhưng, biến cố bất ngờ ập đến với cậu bé hiếu động ấy khi vừa tròn 5 tuổi. Trong một lần vui chơi với bạn bè, cậu vô tình bị một cây gậy bay vào mắt phải khiến vỡ nhãn cầu. Vụ tai nạn cướp đi thị lực mắt phải của Trung, khiến em phải đeo mắt giả. Bất hạnh liên tiếp ập đến khi mắt trái em cũng mờ dần và không còn phân biệt được màu sắc nữa. Ở tuổi lên 5 – cái tuổi hồn nhiên vừa chập chững khám phá thế giới ấy, quanh Trung dường như chỉ còn độc một màu sắc và người bạn thân duy nhất mang tên ‘bóng tối’. Dù đã mất đi thị lực nhưng dường như bất hạnh chưa bao giờ quật ngã được tinh thần lạc quan của cậu bé năm ấy. “Có lẽ do còn quá nhỏ nên em không cảm thấy đau buồn nhiều. Trong sinh hoat thường ngày, em tự nhủ những bạn khiếm thị khác làm được thì mình cũng làm được, vì thế em chưa bao giờ cảm thấy khó khăn. Sau tai nạn đó, gia đình gửi em vào học trường của các sơ. Ở đây, các bạn khiếm thị mà muốn học chung với các anh chị sáng mắt thì phải học hết chương trình lớp 4, còn em theo kịp bài tốt nên mới hết lớp 2 đã được hòa nhập rồi”, Trung hào hứng chia sẻ. Cậu bạn cũng tự nhận mình là một người ưa khám phá và khá liều lĩnh. Vì yêu thích âm nhạc, những năm cấp 2 Trung liên tục đăng ký dự thi văn nghệ và xuất sắc giành được giải C cấp tỉnh.

Hết cấp 2, ước mơ được học tiếp của Trung có nguy cơ bị dang dở. “Vì nhà có 4 anh chị em đang tuổi ăn học nên cha mẹ em khó có thể cáng đáng hết được. Gia đình khuyên em nên theo học nghề mát-xa hoặc đi đàn hát như bao bạn khiếm thị khác, nhưng em không muốn vậy. Ước mơ của em là được đi tư vấn tâm lý hoặc làm diễn giả, truyền động lực cho những người khác, vì vậy em cần phải học tiếp. Trong thời gian khó khăn đó, em tình cờ nghe được cuốn sách nói “Làm chủ tư duy – thay đổi vận mệnh” của Adam Khoo. Chính cuốn sách đã làm động lực để em thuyết phục cha mẹ. Em lên mạng tìm những tấm gương có cảnh ngộ giống mình nhưng đã vượt qua được. Em tìm các trường sơ có chính sách miễn học phí cho học sinh. Em giải thích cho cha mẹ rằng em cũng có thể nằm trong số những người kiếm được công việc sau khi ra trường và hy vọng cha mẹ không so sánh em với các bạn khác. Mỗi người sẽ có cuộc đời riêng của họ và em không muốn bị áp đặt “vì con khiếm thị nên chỉ làm được những nghề này”. Nhờ giải quyết được những nỗi lo của cha mẹ về học phí lẫn về tư tưởng nên giờ em đang ở Sài Gòn đây” (cười).

Suốt những năm cấp 3, cậu bạn vẫn thường “lén” trốn các sơ ra ngoài tham dự các hội thảo, tập huấn kỹ năng mềm. Trung chia sẻ chưa bao giờ việc không nhìn thấy được là trở ngại cho em cả, không nhìn được đường thì ta dùng gậy dò đường, đi theo vạch đường dành cho người khiếm thị, không thì nhờ người khác giúp đỡ. Những năm học ấy, ngoài áp lực bài vở, một nỗi lo khác cũng luôn âm ỉ trong lòng Trung: xong cấp 3 thì lấy tiền đâu để học tiếp Đại học? Chính khao khát được đến trường đã thúc đẩy chàng trai vóc người nhỏ bé ấy tìm cách chuẩn bị cho chặng đường sau này. Vào mùa hè năm lớp 11, Trung tranh thủ ra Nha Trang làm thêm ở một cơ sở mát-xa cho người khiếm thị. Trung chọn công việc này vì em có thể gặp gỡ nhiều du khách, cải thiện tiếng Anh. Miệt mài học, miệt mài làm, sau khi tốt nghiệp THPT cậu bạn đã có một khoản tiết kiệm nho nhỏ. Những nỗ lực đèn sách của cậu học trò nhỏ đã được đền đáp xứng đáng. Kỳ thi Đại học năm ấy, Trung đậu vào ngành Tâm lý học của trường Đại học Văn Hiến với học bổng toàn phần học phí của trường. Với khoản tiết kiệm từ việc làm thêm, Trung dùng để chi trả tiền nhà trọ và sinh hoạt phí, bắt đầu một cuộc sống hoàn toàn tự lập và không phụ thuộc cha mẹ. Cậu bạn đã thực sự chứng minh được cho cha mẹ thấy rằng “chỉ cần con muốn con sẽ làm được”.

“Tuy việc làm thêm có hỗ trợ em một phần sinh hoạt phí nhưng chi tiêu ở thành phố đắt đỏ nên em cũng khá chật vật. Mà em còn muốn tham gia thêm thật nhiều khóa học kỹ năng nữa. Trong lúc tự tìm thêm học bổng trên mạng thì em thấy học bổng LVC. Em quyết định đăng ký liền vì em rất thích những hoạt động của Quỹ và tin là những chương trình đó chắc chắn sẽ giúp em phát triển. Em nhớ mình đã tự bắt xe buýt đến buổi phỏng vấn trong một tâm trạng vô cùng căng thẳng, ai hỏi gì em cũng tưởng người đó là người phỏng vấn (cười). Khi thầy Nghĩa hỏi tại sao em chọn Đại học Văn Hiến dù học phí cao mà không chọn trường khác, em nói rằng mình chọn ngành chứ không chọn trường. Em muốn đi theo hướng đào tạo, ứng dụng. Ngành tâm lý ở Đại học Khoa học xã hội nhân văn thiên về nghiên cứu, còn ở Đại học Sư phạm thì là giáo dục trị liệu. Chính vì vậy em chọn học ở đây. Thấy thầy cũng không hỏi thêm gì nữa, em tưởng mình rớt rồi. Thật may là duyên với Quỹ vẫn còn nên giờ em vẫn đang là sinh viên LVC” (cười). Từ những định kiến của mọi người xung quanh về khả năng của người khiếm thị, Trung từng tự nhủ phải làm gì đó cho họ, cũng chính là làm cho mình.

Gạt qua những lời dèm pha và hoài nghi, cậu bạn đã sáng lập ra kênh Youtube “Incovi” nhằm giới thiệu các khả năng của người khiếm thị, các công việc mà người khiếm thị có thể làm, đồng thời nhắn nhủ những người khác nên sống xứng đáng với những gì họ đang có. Không chỉ vậy, Trung còn cùng bạn bè mời những diễn giả có chuyên môn đến tổ chức các buổi tập huấn kỹ năng mềm cho người khiếm thị, bắt đầu từ những điều cơ bản như sửa ngôn ngữ cơ thể, lựa chọn trang phục phù hợp với sự kiện, học cách dùng dao… Dự án “Bí mật từ bóng tối” của cậu bạn còn kết hợp với một số trường học để cho các bạn học sinh được trải nghiệm thử làm người mù và giáo dục các bạn đồng cảm hơn với những phận người bất hạnh trong cuộc sống. Xuất phát từ tấm lòng nhiệt thành muốn hỗ trợ cộng đồng của mình, dự án của Trung đã xuất sắc lọt vào top 6 cuộc thi “Thế hệ không giới hạn” và được tài trợ 1000 USD.

Dù không thể nhìn thấy màu sắc nữa, Trung luôn rạng rỡ và tự nhận “cuộc sống của em vẫn luôn rực rỡ sắc màu”. “Hồi cấp 3 em từng được các sơ dẫn đi nói chuyện trong xóm nghèo để truyền động lực sống cho các bạn nhỏ ở đó. Em cũng tình nguyện dạy kèm Toán cho các bạn cấp 2 nữa. Những việc ấy khiến em rất vui vì thấy mình có ích. Em tích cực ra ngoài hơn, trải nghiệm nhiều hơn và mỗi điều mới tô thêm cho cuộc sống của em 1 mảng màu. Vậy nên sau này em muốn theo hướng tư vấn và đào tạo để giúp thêm nhiều người nữa. Em luôn tâm niệm rằng “người xuất sắc là người có khả năng giúp người khác xuất sắc hơn”.

Có lần có một bạn hỏi thẳng em là: “Có phải vì mày không nhìn thấy nên mày mới giỏi không? Chứ tụi tao nhìn được nên bận chơi game không à”. Người khác có thể thấy sốc, chứ em thì em lại thấy bạn ấy…nói đúng (cười). Nhiều khi nghĩ có lẽ do vậy nên mình mới có động lực cố gắng và được như ngày hôm nay. Chuyện gì xảy ra cũng có lý do cả, và em chưa bao giờ xem việc mất đi đôi mắt là bất hạnh của mình. Trước đây em khá tiêu cực, em luôn quan niệm tất cả sự giúp đỡ với người khiếm thị đều là sự thương hại. Vì vậy em phản ứng rất mạnh mẽ với những ai muốn giúp mình. Sau này em nhận ra đó là tư duy sai lầm. Em không quan trọng sự giúp đỡ xuất phát từ đâu nữa. Khi người ta muốn giúp tức là người ta có quan tâm đến mình, vì vậy mình nên trân trọng tấm lòng của họ. Họ cũng chính là “đôi mắt” của mình. Em không chắc là mình có thể giúp lại được những người đó hay không, nhưng em tin việc giúp người khác cũng là một cách đáp đền những lòng tốt mà mình nhận được. Một năm mới nữa lại tới. Năm sau em có một chút tham vọng, đó là tham gia ít nhất 7 khóa học kỹ năng, đưa dự án “Bí mật từ bóng tối” tiếp cận hai trường học/tháng, điều hành CLB Tâm lý học trở thành CLB học thuật có giá trị và tầm ảnh hưởng tới các bạn sinh viên và dành thời gian cho gia đình nhiều hơn. Em muốn thử xem giới hạn của bản thân mình đến đâu và cũng chúc các kỳ vọng trong năm mới của tất cả các thành viên Lương Văn Can sẽ sớm trở thành hiện thực.”

Bài viết, hình ảnh: Ban điều hành Quỹ hỗ trợ tài năng Lương Văn Can
Đồ họa: Tấn Phú