Làm thế nào để TÌNH NGUYỆN trở nên có trách nhiệm hơn?

Tình nguyện là một khái niệm quen thuộc với rất nhiều các bạn trẻ, đồng thời đây cũng là loại hoạt động có sức hút và dễ dàng nhận được sự tham gia đông đảo của mọi người. Nhưng sẽ không có quá nhiều người suy nghĩ một cách nghiêm túc về việc như thế nào là một dự án tình nguyện có trách nhiệm và liệu việc mình đang “cho đi” có thật sự đúng hay không? Chính vì lẽ đó, để giúp các bạn sinh viên nhận thức rõ ràng  việc tham gia và thực hiện các Dự án cộng đồng tình nguyện như thế nào cho đúng và có trách nhiệm để từ đó chuẩn bị tốt nhất cho dự án cộng đồng sắp tới; Quỹ Hỗ trợ Tài năng Lương Văn Can đã phối hợp với Dự án Hiểu tổ chức buổi tập huấn “Tình nguyện có trách nhiệm” vào ngày 09/01/2021 vừa qua.

Dự án Hiểu – Khi người trẻ cho đi được thành lập tháng 8/2019 bởi các cựu học viên của khóa học CHUM – Give & Grow với sứ mệnh nâng cao chất lượng tình nguyện của học sinh, sinh viên TP. HCM và các tỉnh lân cận bằng việc cung cấp các kiến thức về tình nguyện có trách nhiệm cho các bạn trẻ từ 16-19 tuổi thông qua nhiều hình thức như workshops, debates,…

Mở đầu chương trình, các bạn sinh viên tham gia được trải nghiệm một hoạt động nhẹ nhàng, khi cùng nhau nhắm mắt, hít thở và suy nghĩ về dự án tình nguyện mà mình sẽ thực hiện tới đây. Sau đó, từng người nhóm lần lượt từng thành viên sẽ chia sẻ với người bên cạnh  về dự án mà mình đang ấp ủ, mục đích thực hiện nó và lắng nghe các góp ý của bạn mình về dự án.

Nội dung chính của buổi tập huấn đó là những thông tin rất cơ bản về khái niệm “Tình nguyện có trách nhiệm” qua phần chia sẻ tận tình của các thành viên của Dự án Hiểu. Để một dự án thành công cần hội tủ ba yếu tố: hiểu bản thân, hiểu tổ chức và hiểu người thụ hưởng.

Đầu tiên, các bạn sinh viên được làm quen với mô hình 3T là viết tắt của 3 chữ: thời gian – tài sản – tài năng; đây chính là những cơ sở quan trọng để biết bản thân mình có thể cho đi những gì. Bên cạnh đó, khi tham gia các hoạt động cộng đồng thì mục đích của bản thân m gia cũng là một yếu tố quan trọng cần được soi chiếu.

Ở khía cạnh thứ hai – Hiểu tổ chức, đây là yếu tố quan trọng quyết định vì nó giúp chúng ta biết liệu tổ chức này có tương đồng với giá trị của bản thân không, vì chỉ có tương đồng về giá trị thì mới có thể đi lâu dài cùng nhau được. Bên cạnh đó, cách giải quyết vấn đề của tổ chức như thế nào, có đủ để truyền cảm hứng cho bản thân tham gia hay không. Để tình nguyện đúng, chuyên môn của tổ chức cũng như chính mình là điều cần đặc biệt quan tâm để không gây tổn hại đến các đối tượng thụ hưởng.

Và cuối cùng việc hiểu đối tượng thụ hưởng sẽ quyết định đến sự thành công của dự án. Việc quan trọng cần phải thực hiện đó chính là xác định cụ thể nhóm đối tượng mình hướng đến; những gì họ cần. Theo cách làm thông thường, chúng ta thường mang đến cho người thụ hưởng những thứ mà mình nghĩ họ cần chứ thực sự đó không phải điều họ cần. Do đó, để tình nguyện có trách nhiệm và hiệu quả, thì hãy cho đi cái họ cần thay vì chỉ cho đi cái mình có. Để làm được điều đó, thì việc khảo sát cần phải được thực hiện rất nghiêm túc dựa trên các thông tin tin cậy.

Càng về cuối buổi tập huấn, không khí khán phòng ngày càng trở nên nóng hơn với hoạt động tranh biện có chủ đề “Dự án ngắn hạn hay dài hạn là tốt hơn?”. Sau khi kết thúc phần tranh biện, tất cả mọi người đều tham gia đều nhận thấy rằng thực ra không có câu trả lời nào là chính xác cho trường hợp này. Mỗi loại hình tình nguyện đều có những ưu, nhược điểm khác nhau. Tuy nhiên, để một dự án thật sự là tốt và có trách nhiệm thì khi lên kế hoạch thực hiện bất kỳ dự án nào, chúng ta cần có cái nhìn dài hạn hơn.

Kết thúc buổi tập huấn, nhóm dự án Hiểu cũng nhắn nhủ với các bạn sinh viên của Quỹ Lương Văn Can rằng mỗi người nên thực hiện “tự phản hồi” (reflection) một cách liên tục về chính dự án của mình và trả lời cho những câu hỏi như Liệu dự án tình nguyện này có thoả mãn cho mình hay không? Có cách nào để làm cho dự án này tốt hơn và trách nhiệm hơn không?. Từ đó, kịp thời nhận ra những điểm thiếu sót và cải thiện để có thể tổ chức thật tốt Dự án cộng đồng của mình . Tham gia Dự án cộng đồng chính là cách để mỗi cá nhân, đóng góp một chút sức lực của mình để thay đổi thế giới chứ không chỉ ngồi đó và đợi thế giới thay đổi.

Bài viết và Hình ảnh: Team truyền thông CLB Sinh viên Lương Văn Can