QUỸ LƯƠNG VĂN CAN TỔ CHỨC CHƯƠNG TRÌNH TẬP HUẤN “ĐỘC HẠI HAY LÀNH MẠNH? NHẬN DIỆN VÀ TẠO DỰNG MỐI QUAN HỆ TƯƠNG QUAN VỚI NGƯỜI THÂN”

Chiều ngày 8/5/2022, Quỹ Lương Văn Can tổ chức buổi tập huấn với chủ đề “Độc hại hay lành mạnh? Nhận diện và tạo dựng mối quan hệ tương quan với người thân”. Với sự chia sẻ của hai diễn giả đến từ Menthy Việt Nam là chị Nguyễn Phước Cát Phượng – Thạc sĩ tâm lý học ứng dụng và chị Nguyễn Thị Ngọc Giàu – Thạc sĩ tâm lý. 𝗠𝗲𝗻𝘁𝗵𝘆 𝗩𝗶𝗲̣̂𝘁 𝗡𝗮𝗺 là đối tác tin cậy của Quỹ Lương Văn Can trong nỗ lực chăm sóc sức khỏe tinh thần của người trẻ và của cả cộng đồng. Với nỗ lực của mình, 𝗠𝗲𝗻𝘁𝗵𝘆 𝗩𝗶𝗲̣̂𝘁 𝗡𝗮𝗺 mong muốn đưa sức khỏe tinh thần trở thành một trong những quan tâm chính yếu của người Việt Nam, giảm kỳ thị và phân biệt đối xử với nhu cầu chăm sóc sức khỏe tinh thần, giáo dục, kết nối hỗ trợ nhu cầu, và xây dựng cộng đồng thân thiện với sức khỏe tinh thần là những công cụ thiết yếu. Chương trình được tổ chức nhằm giúp các bạn sinh viên Lương Văn Can có thêm kiến thức trong quá trình tạo dựng mối quan hệ gia đình, bạn bè hay trong các tương quan thân mật.

Chương trình được chia làm hai phần.

Phần 1: Nhận diện mối quan hệ tương quan độc hại và mối quan hệ tương quan lành mạnh.

Trong phần đầu tiên, hai diễn giả lần lượt đưa ra 6 dấu hiệu để nhận biết một mối quan hệ độc hại, đó là:

  • Giao tiếp bạo lực: bao gồm bạo lực lộ liễu và cả bạo lực ngầm.
  • Kiểm soát/ thao túng: trường hợp chỉ có 1 người ra quyết định, luôn muốn biết người kia đang làm gì, luôn đe dọa sẽ bỏ rơi, nghỉ chơi, từ mặt.
  • Mất cân bằng giữa cho và nhận: một mối quan hệ chỉ toàn nhận, không cho hay toàn cho nhưng chỉ làm theo ý mình là một mối quan hệ không lành mạnh.
  • Nói dối: Luôn nói những điều không đúng sự thật và mục đích của nó.
  • Không cảm thấy tin tưởng: Thiếu niềm tin vào nhau, luôn dè dặt nhau.
  • Thiếu tôn trọng: Không chịu lắng nghe, thiếu sự trân trọng cảm thông.

Ngoài ra, hai diễn giả cũng cung cấp thêm cho người tham gia các chỉ dấu khác nhằm nhận biết được một mối quan hệ độc hại là như thế nào. Theo đó, khi ở trong một mối quan hệ độc hại, mọi người sẽ thường cảm thấy mệt mỏi, lo lắng, cô đơn, tự ti và sợ hãi, đồng thời, những người xung quanh thường phải phải bênh vực cho người đó trước lời chỉ trích, tố cáo của người khác. Hậu quả của một mối quan hệ độc hại là nó làm cản trở sự phát triển của các cá nhân trong mối quan hệ, khiến họ trở nên trì trệ trước bất kỳ quyết định hoặc hoạt động đời sống nào.

Tương ứng với 6 dấu hiệu nhận biết mối quan hệ độc hại, hai diễn giả chỉ ra một mối quan hệ lành mạnh sẽ bao gồm các đặc điểm:

  • Giao tiếp rõ ràng, dễ hiểu.
  • Độc lập.
  • Cân bằng giữa “cho” – “nhận”.
  • Tin tưởng.
  • Tôn trọng.
  • Cùng nhau giải quyết các vấn đề

Để duy trì một mối quan hệ lâu dài và có chiều sâu, mỗi người cần phải có sự tự tin và tự chủ của riêng mình. Và theo hai diễn giả, để có thể cảm thấy tự tin trong một mối quan hệ, bạn có thể thực hành nhiều hoạt động như chủ động, lắng nghe, luôn tôn trọng người nói, luôn trung thực, giữ chữ tín,…

Phần 2: Tạo dựng một mối tương quan lành mạnh – thực hành căn bản.

Trong phần 2, các bạn sinh viên có cơ hội được thực hành giải quyết tình 2 tình huống thực tế thông qua 2 câu chuyện về mối quan hệ giữa gia đình và bạn bè. Cùng với đó, , các bạn được hướng dẫn thêm các bài thực hành nhằm giúp gia tăng sự cảm nhận về mặt cảm xúc của mình. Sau hai hoạt động này, chị Giàu đã hệ thống lại giúp các bạn sinh viên tham gia 3 nền tảng thực hành căn bản để tạo dựng được một mối quan hệ lành mạnh là:

  • Đối thoại trong bình an.
  • Cân bằng giữa “cho” – “nhận”.
  • Nói lên điều mình cần một cách khách quan.

Quỹ hỗ trợ tài năng Lương Văn Can xin trân trọng gửi lời cảm ơn đến chị Cát Phượng và chị Ngọc Giàu đã dành thời gian tham gia chia sẻ với các bạn sinh viên của Quỹ. Mong rằng sau buổi chia sẻ này, các bạn sinh viên không chỉ có thêm nhiều bài học kinh nghiệm để xây dựng được thêm những mối quan hệ lành mạnh mà còn có thể củng cố, gắn kết những đứt gãy trong các mối quan hệ cần được “sửa chữa” của bản thân.

Tổng hợp tin: Ban truyền thông LVCF