Quỹ Lương Văn Can tổ chức chương trình Talk series: Người trẻ trong thế giới hậu Covid với chủ đề “Trầm cảm: Chân dung – Nguồn cơn – Lối thoát” – diễn giả: TS. Đặng Hoàng Giang 

Tối ngày 3/1/2022, Quỹ Lương Văn Can đã tổ chức chương trình Talk series: Người trẻ trong thế giới hậu Covid với TS. Đặng Hoàng Giang với chủ đề “Trầm cảm: Chân dung – Nguồn cơn – Lối thoát”. Đây là một chương trình vô cùng ý nghĩa và thiết thực, đặc biệt với bối cảnh hậu Covid – 19 và các vấn đề về sức khỏe tinh thần ngày càng được chú trọng như hiện nay. Tiến sĩ Đặng Hoàng Giang đã mang đến buổi chia sẻ những thông tin chi tiết về căn bệnh trầm cảm bao gồm nguồn cơn tạo nên căn bệnh này và phương pháp điều trị trầm cảm trong thời điểm hiện nay. Trầm cảm là một sự dịch chuyển mang tính hiện sinh, khiến cho thế giới của người trầm cảm trở nên méo mó dị thường, đánh mất niềm tin vào cuộc sống. Trầm cảm có thể bắt nguồn từ những kỷ niệm trong quá khứ, từ môi trường sống không được “trong lành”,… và biểu hiện ở nhiều mức độ khác nhau. Người mắc bệnh trầm cảm khi thể hiện triệu chứng của bệnh dễ bị hiểu lầm thành thành các hoạt động phản ứng cá nhân thông thường. Cụ thể, khi mắc trầm cảm, cảm xúc, nhận thức, thể chất, động lực của người bệnh sẽ bị rối loạn gây nên sự chán nản, hờ hững và điều này dễ bị hiểu nhầm là sự lười biếng. Ngoài ra, phản ứng của người mắc bệnh trầm cảm còn bị hiểu lầm là những hành vi đại diện cho sự yếu đuối, lười biếng hơn là một triệu chứng của một bệnh lý cần chữa trị. Điều đó càng làm cho người bệnh trở nên thu mình và xa cách với xã hội hơn.

Nếu người thân/ bạn bè xung quanh mắc bệnh trầm cảm, Tiến sĩ Đặng Hoàng Giang gợi ý rằng, các bạn sinh viên nên có những bước đầu trong sự điểu chỉnh cách ứng xử của mình đối với người đối diện. Thay vì cố gắng đưa ra lời khuyên dành cho họ, các bạn nên mở lòng, lắng nghe chia sẻ của họ với một tâm lý không phán xét, không chỉ ra cái đúng, cái sai của câu chuyện, chỉ đơn giản là lắng nghe và trân trọng chúng. Đó mới điều mà người trầm cảm cần ở người thân xung quanh. Trong trường hợp bản thân hoặc người thân có một trong những dấu hiệu của bệnh trầm cảm nhưng không tìm thấy người chia sẻ, bạn có thể tìm đến các kênh hỗ trợ sức khỏe tinh thần như các phòng khám tâm lý hoặc các đường dây nóng như đường dây nóng Ngày mai – một dự án do Tiến sĩ Đặng Hoàng Giang thực hiện – để được hỗ trợ bệnh lý kịp thời.

Sau phần thông tin, Tiến sĩ Giang và các bạn sinh viên tham gia chương trình đã cùng nhau giải đáp những thắc mắc xoanh quanh câu chuyện Người trẻ và trầm cảm trong cuộc sống hiện đại. Nhiều câu hỏi được gửi về BTC cũng như những chia sẻ về trải nghiệm cá nhân của các bạn khi tham gia chương trình cho thấy, vấn đề liên quan đến sức khỏe tinh thần, đặc biệt là trầm cảm, thực sự cần được quan tâm nhiều hơn.

Quỹ Lương Văn Can hy vọng, trong khuôn khổ của chương trình, Tiến sĩ Đặng Hoàng Giang đã cung cấp những thông tin cần thiết liên quan đến vấn đề trầm cảm, giúp người tham gia hiểu thêm về căn bệnh này và có thái độ đúng đắn hơn với bệnh nhân mắc trầm cảm. Sự tử tế bắt nguồn từ việc ta thấu hiểu được nỗi đau của người khác và có cho mình nhiều kiến thức để có thể dễ cảm thông với người khác hơn. Xin cảm ơn Tiến sĩ Đặng Hoàng Giang đã đồng hành cùng Quỹ Lương Văn Can trên hành trình chăm sóc sức khỏe tinh thần cho người trẻ lần này. Xin hẹn gặp lại các bạn trong những chương trình sắp tới của Talk series: Người trẻ trong thế giới hậu Covid.

Tổng hợp tin: Ban truyền thông LVCF