Quỹ Lương Văn Can tổ chức buổi chia sẻ

“Critical Thinking – Tư duy phản biện”

“Tư duy phản biện” là cụm từ rất “hot” những năm gần đây với vô vàn khóa học kỹ năng và hàng trăm đầu sách hướng dẫn. Thế nhưng liệu “tư duy phản biện” có chỉ đơn thuần là “tìm ra và bẻ gãy những luận điểm của đối phương trong tranh luận”?

Để hiểu cặn kẽ phương pháp tư duy này, LVCF đã mời anh Hoàng Minh Thông – nhà sáng lập Edspace, không gian học tập, chia sẻ về ngôn ngữ và tư duy đến chia sẻ vào sáng 26/09/2020 tại WeWork Sonatus, Quận 1. Tham dự buổi chia sẻ có đại diện đối tác của Quỹ như Diều Ngược Gió, Công ty Officience, Edspace cùng các học viên nhận học bổng JVN-LVCF.

Để hiểu sâu vấn đề, diễn giả đã bóc tách khái niệm “tư duy phản biện” trước tiên. Theo đó, não bộ chúng ta luôn có 2 hệ thống: tư duy nhanh (bản năng, trực giác) và tư duy chậm (thu thập, xử lý thông tin rồi mới đưa ra kết luận), trong đó tư duy chậm đòi hỏi ta phải dành nhiều nguồn lực để suy nghĩ. Thế nhưng làm thế nào ta biết mình đang suy nghĩ? Sau 1 vòng trao đổi sôi nổi, các nhóm đều đồng tình với kết luận rằng chúng ta không ý thức được suy nghĩ của mình mà chỉ nhìn thấy “phản chiếu” của nó qua các hình thức biểu đạt như viết, nói, hát, vẽ… Và trong quá trình “phản chiếu suy nghĩ”, ta bị “tấn công” bởi rất nhiều lăng kính như: định kiến, thiên kiến, ngụy biện… khiến “đường đến bản chất vấn đề” bị lệch lạc. Từ việc phân tích khái niệm, anh Thông nhấn mạnh tư duy phản biện chính là liên tục nhìn nhận lại cách suy nghĩ của mình/của người khác và tập luyện để nhìn thấu bản chất vấn đề mà không để các “lăng kính” khác che phủ.

 

Với nhiều phần bài tập nhóm và cá nhân đa dạng, anh Thông giúp người tham gia dần nhận ra tư duy phản biện vừa là quá trình mà cũng vừa là một trạng thái. Để đưa ra 1 kết luận cho vấn đề nào đó, ta phải trải qua quá trình tiếp nhận – xử lý – phân tích dữ liệu, dẫn chứng – so sánh và cuối cùng mới kết luận. Trong mỗi bước đó, ta cũng cần duy trì trạng thái “phản biện” liên tục để không đi lệch hướng. Chính vì có nhiều yêu cầu phức tạp như vậy mà việc tập luyện phương pháp tư duy này không hề nhanh chóng, dễ dàng.

Buổi tập huấn đã giúp những người tham gia có hình dung cơ bản về phương pháp tư duy nói chung và tư duy phản biện nói riêng, để từ đó nhìn nhận vấn đề đa chiều hơn.