QUỸ HỖ TRỢ TÀI NĂNG LƯƠNG VĂN CAN CÙNG MAI:TRI VIỆT NAM TỔ CHỨC CHƯƠNG TRÌNH TẬP HUẤN “SELF-OLOGY: BIẾT (VỀ) MÌNH”

Chương trình tập huấn “Self-Ology: Biết (về) mình” do 𝗠𝗔𝗜:𝘁𝗿𝗶 và Quỹ Lương Văn Can tổ chức trong 5 tuần liên tiếp, bắt đầu từ 14/12. 𝗠𝗔𝗜:𝘁𝗿𝗶 là một không gian thực hành trị liệu tâm lý bằng nghệ thuật và thực hiện các hoạt động cộng đồng giúp nuôi dưỡng thân-tâm-trí. Chương trình học được tổ chức với mục đích giúp các bạn sinh viên Quỹ và cộng đồng hiểu thêm về bản thân ở các tầng thân-tâm-trí, và cung cấp các kỹ năng thực hành sử dụng chú tâm (mindfulness), thư giãn và sáng tạo thị giác để chăm sóc bản thân, điều tiết cảm xúc và xoa dịu căng thẳng. 

Chương trình tập huấn được dẫn dắt bởi chị Nguyễn Hương Linh – cựu học giả Fulbright năm 2017, tốt nghiệp chương trình Thạc sĩ Trị Liệu Nghệ Thuật (MPS Art Therapy) tại School of Visual Arts (New York, Mỹ) năm 2020. Với hướng dẫn của chị Linh, các bạn sinh viên Quỹ được tìm hiểu về bản thân mình và nhu cầu của mình thông qua các phương pháp thực hành nghệ thuật bao gồm: vẽ tranh, màu sắc và âm nhạc.  

Các buổi học được tổ chức đều đặn, trực tuyến vào tối thứ 4 hằng tuần, bắt đầu từ 19:00 và kết thúc vào 21:00. Trước mỗi buổi học, người tham gia sẽ cùng nhau thực hiện thực hành “10 phút soi chiếu bản thân” thông qua sự hướng dẫn của chị Linh nhằm giúp cho cơ thể được thả lỏng, tập trung tâm trí chuẩn bị cho các nội dung mới.

Đầu giờ, trước mỗi buổi học, người tham gia sẽ cùng nhau thực hành kiểm tra cơ thể, vừa để soi chiếu lại các nội dung của buổi học trước, vừa là để các bạn tập trung tâm trí cho các hoạt động tiếp theo.

Mỗi tuần, các bạn đều đến với các nội dung lý thuyết và thực hành khác nhau, giúp các bạn có thêm công cụ để điều hòa tinh thần và hồi phục năng lượng cá nhân tốt hơn.

Chị Linh hướng dẫn người tham gia cùng tìm hiểu cơ thể thông qua những quan điểm khác nhau giữa phương Đông và phương Tây

Trong tuần đầu tiên, các bạn được chị Linh giới thiệu những góc nhìn khác nhau giữa phương Đông và phương Tây khi tìm hiểu về cơ thể.

Cơ bản, sức khỏe của một cá nhân hiện nay có thể được chia thành 3 phần, lần lượt là: sức khỏe sinh học, sức khỏe tâm lý và sức khỏe xã hội. Việc phân định sức khỏe thành các nhóm sẽ giúp cho cá nhân có thể tìm được giải pháp phù hợp cho tinh thần nếu “bản thân không cảm thấy khỏe” thay vì chỉ dừng lại ở các cách thức “chữa trị chung chung” như trước đây. 

Trong buổi thứ hai, các bạn được tìm hiểu việc làm bạn với hệ thần kinh thông qua lý thuyết về thần kinh và các hoạt động thực hành thư giãn đầu óc, tương thích với từng cá nhân. Kiến thức ở buổi thứ hai vừa mang tính khoa học, vừa mang tính thực hành cao giúp các bạn ghi nhớ lâu hơn những thông tin liên quan đến bộ não con người cũng như cách thức phản ứng của não bộ trước sự khó khăn và thử thách. 

Lý thuyết giải thích các hoạt động của não bộ 

Trong buổi thứ ba, người tham gia được tiếp cận với bài học lý thuyết và thực hành liên quan đến việc giải mã cảm xúc của con người. 

Theo chị Linh, cảm xúc là cách phản hồi của mỗi cá nhân với thế giới bên ngoài, để bày tỏ cảm nhận và suy nghĩ của cá nhân với những chủ thể xung quanh. Ngoài ra, cảm xúc cũng phản ánh những nhu cầu cá nhân, là tấm chắn giúp bảo vệ mỗi cá nhân trong việc cân bằng cảm xúc cá nhân và trong giao tiếp với cá nhân khác. Trong buổi này, chị Linh cũng giúp các bạn chỉ ra những ngộ nhận mà đa số gặp phải khi đề cập đến cảm xúc, đồng thời, giúp người tham gia hiểu đúng hơn về phản ứng của cảm xúc trước các vấn đề khó khăn và làm sao để chúng ta có thể điều hòa cảm xúc của bản thân tốt hơn.  

Trong buổi học thứ tư, người tham gia được giới thiệu những kiến thức và kỹ thuật cao hơn trong việc nhìn sâu vào tâm lý hơn, lắng nghe các tiếng nói bên trong hơn là từ chối sự tồn tại của của chúng. Theo chị Linh, trong mỗi cá nhân, phần bên trong có thể được chia làm ba nhóm là nhóm quản lý, cứu hỏa/ xoa dịu và lưu vong. Mỗi nhóm sẽ biểu thị cho các phản ứng khác nhau của mỗi người cũng như giải thích được động cơ đằng sau hành động của mỗi người.  

Với mỗi cá nhân, việc phản ứng với các hoạt động bên ngoài đều thể hiện tâm lý, cảm xúc hiện tại của cá nhân ấy. Việc diễn giải được nhu cầu của bản thân sẽ giúp các bạn sinh viên tìm được cách phù hợp để chăm sóc tinh thần của mình một cách hiệu quả.

Trong buổi học thứ 5, người tham gia vừa được kết nối với kiến thức ở các tuần trước, vừa kết hợp thực hành nhằm giúp các bạn ghi nhớ sâu hơn nội dung của các buổi học vừa qua. Các học phần lý thuyết được đan xen với các hoạt động thực hành bằng âm nhạc, màu sắc và chia sẻ giữa các học viên tạo nên một không gian trao đổi an toàn, giúp các bạn có thể cởi bỏ những gánh nặng tâm trí và giải tỏa được những điểm tắc nghẽn tâm lý của bản thân. Với cách tổ chức sáng tạo và gần gũi, các bạn sinh viên đã được biết thêm những phương pháp thực hành chánh niệm, chăm sóc sức khỏe tinh thần của bản thân thông qua các hoạt động thường ngày. 

Quỹ Hỗ trợ Lương Văn Can xin trân trọng cảm ơn sự đồng hành của MAI:tri trên hành trình vì sinh viên Việt Nam của mình. Chúng tôi hy vọng workshop Self-Ology: Biết (về) mình của MAI:tri sẽ tiếp cận nhiều hơn đến cộng đồng và cá nhân cần được giúp đỡ. Hy vọng qua chương trình, các bạn sinh viên có thể cân bằng được bản thân và lắng đọng trong tâm hồn. 

Đưa tin: Ban truyền thông LVCF