Gặp Minh Nhật ngay sau khi anh vừa hoàn thành lớp tập huấn Quản lý Tài chính cá nhân (TCCN) cho sinh viên LVCF, chúng tôi đã cùng anh trò chuyện về hành trình trở thành chuyên gia đào tạo về TCCN và những dự định dành cho cộng đồng.

Cơ duyên nào đưa anh trở thành một người huấn luyện về TCCN và sáng lập dự án Heo Đất?

Nhiều năm trước mình từng tự hỏi “Nếu như mình cứ tiếp tục sống như vầy thì liệu tương lai mình có ổn hay không? Chuyện gì sẽ xảy ra nếu mình lập gia đình hay ba mẹ mình gặp phải chuyện gì đó?” Sau khi tự trả lời, mình thấy không ổn và bắt đầu suy nghĩ xem có cách nào giúp bản thân an tâm hơn về tài chính.

Khi thử tìm hiểu ở Việt Nam, mình nhận ra người ta chỉ đang nói nhiều về việc giúp người khác kiếm tiền và làm giàu. Đó không phải là thứ mình tìm kiếm, vì việc kiếm được nhiều tiền và quản lý được để có sự an tâm tài chính là hai việc khác nhau. Điều đó thúc đẩy mình  tự đào sâu tìm hiểu thêm lĩnh vực này.

Tự nhủ nếu không ai làm thì mình làm, mình đã bắt đầu dự án.

Anh từng chia sẻ mong muốn giúp quản lý TCCN “người hóa” hơn. “Người hóa” ở đây có nghĩa như thế nào?

Thật ra “người hóa” là từ mà anh Huỳnh Vĩnh Sơn (Sói ăn chay) chia sẻ sau khi tham dự một buổi học về TCCN. Mình thấy nó hay quá nên mới để trên Fanpage và dùng nó để nói về công việc của mình.

Có một điều mà mình luôn nhấn mạnh trong những buổi huấn luyện là TCCN phần nhiều là “cá nhân” chứ không phải “tài chính”. Như vậy, “người hóa” trong TCCN có thể hiểu là cần tập trung giải quyết những khía cạnh về mặt tâm lý nhiều hơn cũng như quan tâm đến nhân tố con người nhiều hơn tiền bạc hay công cụ.

Tuy nhiên, chúng ta vẫn cần những công cụ về mặt tài chính. Hai yếu tố này bổ trợ qua lại thì mới có thể hỗ trợ tốt nhất để giải quyết các khó khăn liên quan đến tài chính.

Từ lúc bắt đầu theo đuổi con đường này cho tới bây giờ, Nhật cảm thấy mình được gì và mất gì?

Mình thấy cái được nhiều nhất là cơ hội thay đổi và sửa chữa rất nhiều thứ ở bản thân. Khi mình có thể thực hành, sửa đổi trên bản thân càng nhiều thì những điều chia sẻ lại càng nhẹ nhàng và dễ hiểu. Bởi vì muốn giúp người khác nên mình tự sửa mình.

Còn nói về cái mất, nó không hẳn là mất. Nói đúng hơn là mình đặt xuống bớt những điều không liên quan đến mục tiêu của mình. Cái mất phần lớn là những mối quan hệ, hoặc hoạt động mình có thể tham gia trước đây nhưng giờ không làm nữa như gặp gỡ bạn bè, tiệc tùng nhậu nhẹt,…  Nhờ quá trình thực hành nên mình thấy ổn với điều này.

Gia đình anh vừa chào đón thêm một thành viên mới và anh lên chức bố. Việc này ảnh hưởng như thế nào với những điều anh đã học và huấn luyện về TCCN?

(Cười) Chắc chắn là có rồi. Mình có thêm trải nghiệm để tiếp tục chia sẻ cho mọi người.

Lập gia đình, có con là bắt đầu phát sinh những kết nối mới. Quá trình đó giúp mình trả lời cho câu hỏi liệu những kết nối này ảnh hưởng như thế nào đến chi tiêu và lối sống. Từ đó, nó trở thành chất liệu ở trong lớp học.

Những chia sẻ trên lớp đến từ quá trình thực hành của chính mình trong cuộc sống. Mọi người sẽ hình dung rõ ràng hơn khi vừa có nguyên lý vừa có ví dụ cụ thể.

Kể từ tháng 03/2021, các hoạt động của dự án Heo Đất sẽ chuyển hoàn toàn sang hướng phi lợi nhuận. Vậy đâu là lý do dẫn đến sự thay đổi này?

Thật ra, mô hình này từ lúc ra đời đã luôn có hai mảng lợi nhuận và phi lợi nhuận. Phần lợi nhuận thu về sẽ là nguồn quỹ cho phần phi lợi nhuận hoạt động. Tuy nhiên, qua một thời gian, mọi người không nhận diện rõ ràng về thương hiệu Heo Đất mà hay nhắc đến mình với tư cách cá nhân.

Lúc đầu, nguồn lực còn giới hạn nên mình cứ giữ nguyên. Tuy nhiên, đến bây giờ, mình thấy dự án đã tạm ổn và mình muốn mọi người nói về dự án nhiều hơn nên tách ra để mang lại hình ảnh Heo Đất là một dự án phi lợi nhuận. Hay khi mình không tiếp tục nữa thì dự án vẫn có thể tự chạy.

Với định hướng như thế, mình thấy Heo Đất có nhiều cơ hội làm hoạt động hơn, tiếp cận nhiều đối tượng hơn và các chương trình cho mỗi đối tượng cũng sâu hơn. Đây cũng là môi trường cho các bạn có ý định trở thành nhà huấn luyện về tài chính thực hành và giúp đỡ người khác.

Được biết, năm nay gia đình anh sẽ chuyển về Gia Lai sinh sống. Anh có thể bật mí một   chút về những dự định của bản thân ở nơi này?

Điều mình mong muốn làm nhất ngay khi ổn định cuộc sống mới tại Gia Lai là xây dựng Learning Retreat Center – nơi mọi người có thể học và nghỉ dưỡng. Ngoài ra, mình muốn tổ chức Money Summer School tại Pleiku cho các bạn học sinh, sinh viên để các bạn có thể thực hiện những dự án khác cho sinh viên.

Sau đó, mình chắc sẽ bắt đầu thực hiện chương trình đào tạo TCCN cho các cặp đôi. Kể cả khi mình chưa có trung tâm thì mình vẫn tìm kiếm và liên hệ chỗ này chỗ kia để làm chương trình. Mọi người có thể rời thành phố lên Pleiku để học và nghỉ ngơi.

Đã rời bỏ cuộc sống bận rộn ở TP.HCM để về Gia Lai yên bình nhưng vẫn tiếp tục thực hiện các hoạt động cộng đồng giúp người, vậy khi nào mới là lúc lo cho bản thân mình?

Chính nhờ giúp người khác mà tự nhiên thấy được mình rõ hơn, từ đó giúp được mình. Nhờ gắn bó với các hoạt động đào tạo TCCN mà mình không ngừng tự thực hành giải quyết các vấn đề cá nhân để duy trì sự an tâm về tài chính. Mình và vợ đã trao đổi với nhau rất nhiều về điều cả hai thực sự mong muốn trong cuộc sống, nhờ xác định rõ mục tiêu mà tụi mình chọn về Gia Lai (dù vợ mình sinh ra và lớn lên ở Sài Gòn), từ đó tránh được các quyết định tài chính dễ gây bất an và không phù hợp với bản thân như vay tiền mua nhà tại Sài Gòn. Đây cũng là chất liệu để mình thực hiện chương trình tài chính cho cặp đôi. Có thể nói giúp người cũng là giúp mình, giúp mình cũng để giúp người, cả hai là một thể không tách rời.

 Nếu được nói một điều với sinh viên nói chung và sinh viên Quỹ nói riêng về TCCN thì anh sẽ nói gì?

Một là: Tài chính rất dễ và đừng làm nó phức tạp lên nữa.

Hai là câu mình hay nói trong các buổi tập huấn: “Rõ chi – Đa thu – An tâm tài chính”

Bài viết, hình ảnh: Ban điều hành Quỹ hỗ trợ tài năng Lương Văn Can
Đồ họa: Tấn Phú