Mỗi sinh viên đến với Quỹ Lương Văn Can đều mang trong mình rất nhiều hoài bão. Vì hoàn cảnh, những hoài bão ấy từng bị lung lay, từng phải thay đổi. Đến với Quỹ, mỗi giấc mơ đều được trân trọng và khuyến khích nuôi dưỡng từng ngày. Các bạn được khuyến khích “mơ lớn”, nhưng “mơ lớn” ở đây không phải là đặt tham vọng cao xa mà là trong giấc mơ của mình, đừng chỉ nghĩ cho bản thân mà hãy hướng tới phục vụ những người khác, tới lợi ích cộng đồng. Trong số này, mời bạn lắng nghe hành trình vượt qua những rào cản để theo đuổi ước mơ của Nguyễn Hữu Thành, cựu sinh viên ngành Y của Quỹ, một chàng trai cao dong dỏng và có nụ cười thật tươi.

Từ khi còn học cấp 3, Thành luôn ước mơ được một lần đi nước ngoài học tập. Lý do khi ấy chỉ đơn giản là vì cậu bạn chưa được đi máy bay bao giờ và vì muốn xem chương trình học ở nước bạn ra sao mà “họ hơn mình nhiều giải quốc tế đến vậy”. Ước mơ vẫn luôn được nung nấu và theo chân chàng trai ấy lên tận Đại học. Người khác thường bảo sinh viên ngành Y chỉ biết cắm cúi học và ù lì, nhưng với Thành, định kiến ấy hoàn toàn không đúng. Ngay từ khi còn là tân sinh viên, Thành đã vạch sẵn con đường để thực hiện giấc mơ “cất cánh”, đó là tìm cách giành học bổng và tham gia các cuộc thi quốc tế hoặc chương trình trao đổi sinh viên ở nước ngoài. Song song đó, cậu bạn năng nổ tham gia nhiều hoạt động ngoại khóa để tích lũy nhiều kỹ năng và kiến thức hơn. Thế rồi cơ hội cũng tới khi trường tổ chức tìm kiếm ứng viên tham dự cuộc thi sinh lý IMSPQ ở Indonesia. Không bỏ lỡ, Thành đăng ký dự thi, ôn luyện miệt mài để trở thành 1 trong 3 sinh viên được chọn vào đội tuyển. Từ đây giai đoạn “ăn ngủ với sách” của cậu bạn bắt đầu. Không chỉ học kín đặc toàn bộ thời gian mà Thành còn phải tập đọc tài liệu Y khoa bằng tiếng Anh. Nhiều kiến thức, từ vựng chuyên ngành quá mới mẻ gây nhiều khó khăn cho cậu.

Ngày cất cánh, Thành cho biết bạn đã rất hồi hộp, háo hức vì quá trình chuẩn bị suốt 1 năm của mình đã đến hồi kết trái, và cũng vì “không bay thì thôi, đã bay là … bay hẳn ra nước ngoài”. Chuyến bay đầu đời đến “đất nước vạn đảo” đã biến một nửa giấc mơ của Thành thành hiện thưc. Thế nhưng, cậu bạn chưa kịp chuẩn bị tâm lý cho một rào cản khổng lồ khác mang tên sốc-ngôn-ngữ. “Thời gian ôn thi mình cũng thấy bản thân chưa giỏi tiếng Anh lắm. Do chủ yếu đọc tài liệu nên kỹ năng đọc của mình tạm ổn, còn kỹ năng nghe nói chỉ ở mức trung bình. Khi sang Indo, nói chuyện với các bạn nước ngoài, mình thường phải hỏi lại họ đang nói gì vậy. Riết rồi thấy cũng ngại nên không dám nói nữa”, Thành chia sẻ.

Chuyến đi bão táp đầu đời giúp Thành nhận ra tiếng Anh của mình … quá tệ. Điều này là cản trở rất lớn đến ước mơ được đi đó đây và học hỏi từ bạn bè khắp thế giới. Vì vậy cậu bạn hạ quyết tâm phải cải thiện điểm yếu này. Thời điểm đó cũng là lúc Thành được nhận Học bổng Lương Văn Can và được tham gia các lớp tiếng Anh ở Quỹ. Với quyết tâm cao độ, Thành trở thành 1 trong những sinh viên đi học đều và có tiến bộ đáng kể nhất. “Điều lớn nhất lớp tiếng Anh mang đến cho mình không phải là từ vựng hay ngữ pháp, mà là giúp mình lấy lại sự tự tin. Từ chương trình ở Indo, mình đã rất tự ti về khả năng của bản thân đến nỗi không dám nói tiếng Anh nữa. Các lớp tiếng Anh ở Quỹ giúp mình có thời gian bình tâm lại, củng cố kiến thức nền cho chắc hơn và học tập có kỷ luật hơn. Nhờ vậy mình mới dám nói”, Thành bộc bạch.

Vượt qua nỗi ám ảnh mang tên “tiếng Anh” ngày nào, Thành chủ động nắm lấy cơ hội cất cánh tiếp khi giành được học bổng trao đổi sinh viên với Khoa Y Đại học Mahidol, Thái Lan. Với vốn tiếng Anh tích lũy được, cậu bạn không còn e dè như trước nữa mà chủ động thảo luận với mọi người. Ấn tượng với chương trình Y khoa tiên tiến và cách trường Mahidol tạo điều kiện cho sinh viên được thực hành trên mô hình trong môi trường tương đồng bệnh viện, cậu bạn bày tỏ: “Tụi mình đi giao lưu với tâm thế học để mở mang chứ không phải để ganh đua. Nhìn nước bạn có chương trình học tiên tiến, cơ sở vật chất đầy đủ và ai cũng nói tiếng Anh tốt, mình rất mong muốn nước mình sẽ có ngày phát triển như vậy”.

Từ ước mơ được cất cánh, giờ đây trong cậu bạn nhen nhóm thêm 1 ước mơ khác nữa, đó là trở thành giảng viên. Thành hy vọng có thể đóng góp kiến thức và sức lực để xây dựng chương trình học trong nước tiên tiến như những nơi cậu đã đến. Khi Thành vẫn đang ”vật lộn” với chương trình Y khoa năm cuối và chuẩn bị thi tốt nghiệp Đại học, cơ hội lại 1 lần nữa gõ cửa: trường Đại học VinUni tuyển sinh năm đầu cho ngành Y và cấp học bổng cho các bạn sinh viên tài năng. Nghe bạn bè khuyên, Thành cũng đăng ký ngành Sinh lý và qua vòng hồ sơ dù chưa mường tượng gì nhiều bởi ngành này ở VinUni còn quá mới. Tuy bị hấp dẫn bởi chương trình nội trú Mỹ, cơ sở vật chất tốt, nhưng cậu bạn vẫn băn khoăn vì không biết những điều học được có áp dụng được cho Việt Nam không. Trong lúc vẫn còn lưỡng lự, mentor mà Quỹ kết nối cho bạn – chị Nguyễn Hồ Hồng Hạnh – đã khuyến khích bạn cứ đi tiếp. “Chị Hạnh là nhân tố quan trọng góp phần vào quyết định theo học ở VinUni của mình. Chị phân tích cho mình nếu đậu mình có thêm một sự lựa chọn sau khi Tốt nghiệp, nếu không đậu mình cũng không mất gì vì vẫn còn nhiều con đường khác. Chị chỉ cho mình những mặt tích cực như chương trình học và đội ngũ giáo viên rất tốt, thuận lợi cho con đường hội nhập quốc tế sau này, học xong còn được tham gia giảng dạy ở trường nữa. Rào cản duy nhất chỉ là vì nó quá mới thôi. Nghe chị, mình đã mạnh dạn đăng ký để tránh sau này tiếc nuối. Nếu không có chị thì mình đã bỏ cuộc rồi (cười). Kế hoạch ban đầu của mình là thi nội trú ở trường đang học luôn vì dù sao đây cũng là nơi quen thuộc, chương trình học đã xây dựng nhiều năm và là nơi mình có nhiều mối quan hệ. Nhưng sau các chuyến giao lưu quốc tế, mình tự thấy bản thân cởi mở hơn, cho phép mạo hiểm một chút chứ không chọn phương án an toàn mãi nữa”.

Hạ quyết tâm, Thành vượt qua vòng thi Viết và Trắc nghiệm kiến thức tốt đẹp. Vòng Phỏng vấn bằng tiếng Anh với các thầy cô đến từ Đại học Pennsylvania khiến cậu bạn hơi bất ngờ vì kéo dài tới gần 1 tiếng. Tiếng Anh giờ không còn là rào cản nữa. Thành vượt cửa ải cuối cùng suôn sẻ và trở thành 1 trong 19 tân sinh viên ngành Y của VinUni với suất học bổng toàn phần. Con đường đến ước mơ trở thành giảng viên xây dựng chương trình học tiên tiến như rút ngắn lại. Ngày nhận kết quả trúng tuyển, trong tâm trạng tự hào xen lẫn mong chờ, Thành còn muốn lan tỏa niềm vui của mình cho các bạn bè trong Quỹ bằng việc chủ động đề xuất sẵn lòng chia sẻ kinh nghiệm. “Mình cảm thấy rất hạnh phúc khi đã vượt qua sự sợ hãi tiếng Anh của bản thân để đi đến ngày hôm nay. Vì vậy mình mong muốn được chia sẻ điều đó với bạn bè, những người cũng đang gặp khó khăn giống mình lúc trước. Điều mình muốn nhắn nhủ đơn giản chỉ là: lấy lại sự tự tin rất quan trọng, vì không có tự tin thì sẽ không bao giờ bắt đầu được điều gì”. Với Thành, đậu một chương trình giao lưu quốc tế, giành được 1 suất học bổng ở VinUni … không phải là đã đến đích, mà tất cả mới chỉ là sự khởi đầu, và hành trình 4 năm tới ở một môi trường mới, một vùng đất mới hứa hẹn sẽ là sự khởi đầu đáng nhớ.

Trong những chuyến bay từ TP.HCM ra Hà Nội dạo ấy, có một chuyến bay chở đầy hy vọng về sự thay đổi ngành Y nước nhà của một cậu bạn cao dong dỏng, có nụ cười thật tươi.

Bài viết, hình ảnh: Ban điều hành Quỹ hỗ trợ tài năng Lương Văn Can
Đồ họa: Tấn Phú