Làn sóng thứ tư của dịch bệnh Covid – 19 bùng phát, số ca lây nhiễm gia tăng nhanh chóng, số lượng ca tử vong cũng ngày một nhiều. Thành phố Hồ Chí Minh chính thức giãn cách xã hội kéo dài, lực lượng y tế tuyến đầu oằn mình chống dịch. Các bệnh viện dã chiến được thành lập; những chuyến bay đưa vật phẩm, lực lượng viện trợ;  sát cánh cùng Thành phố chống dịch. Sinh viên các trường y khoa nói riêng, lực lượng thanh niên nói chung nhanh chóng đăng ký trở thành tình nguyện viên, gia nhập lực lực lượng chống dịch. Và cho dù có liệt kê thêm nhiều nhiều đi nữa thì cũng không thể nào đủ sức để kể hết được những gì tất cả chúng ta đã trải qua để có được một “bình thường mới” như hiện giờ.

Và như một lời cảm ơn và tri ân dành đến cho tất cả những người đã xả thân cho một hành trình gian nan nhưng cũng vô cùng ý nghĩa vừa qua, chuyên mục Nhân vật kỳ này xin được phép mang đến những câu chuyện đặc biệt được kể bởi chính những sinh viên của Quỹ Lương Văn Can (LVCF) nơi tuyến đầu chống dịch.

Chia sẻ về động lực để trở thành tình nguyện viên, bạn Quốc Hùng (Khoa Y, ĐHQG – HCM) cho biết “Tại thời điểm đăng ký, động lực duy nhất của em là dùng sức trẻ của mình để giúp ích gì đó cho quê hương, đất nước. Thông qua các phương tiện truyền thông, em biết rằng có rất nhiều cá nhân, tập thể từ các khu vực phía Bắc đã tình nguyện hỗ trợ các tỉnh phía Nam, đặc biệt là TP. Hồ Chí Minh, nơi mà những người thầy cô, những người bạn đồng học của em cũng ngày đêm chiến đấu trong một cuộc chiến dường như là không cân sức. Nhìn lại mình, em có sức khỏe, có kiến thức, có kỹ năng và đặc biệt là có sự động viên từ phía gia đình thì không có lý do gì khiến em chùn bước trên hành trình dẫu đầy thách thức đó”.

Có thể nói, điểm chung của tất cả các bạn trẻ nơi tuyến đầu chống dịch không chỉ riêng gì sinh viên Lương Văn Can đó chính là mong muốn đóng góp sức mình cho cộng đồng, vì không chịu nỗi cái bức bối khi ngày qua ngày bản thân không thể làm gì được khi mà dịch bệnh ngày càng lan rộng và gây ra hậu quả nặng nề.

Đang học tập tại Đà Nẵng, khi dịch bệnh bùng phát, hằng ngày chứng kiến qua tivi số ca nhiễm ngày một tăng, hệ thống y tế thì quá tải, nhân viên y tế kiệt sức làm Thanh Sang (ĐH Kỹ thuật Y – Dược Đà Nẵng) cảm thấy vô cùng lo lắng và nóng lòng muốn góp chút sức nhỏ cho đất nước. Do đó, khi vừa có sự kêu gọi đăng kí chống dịch của trường, bạn đã đăng kí ngay và sẵn sàng tâm lý, hành trang lên đường. Bạn chia sẻ “Trước khi đi thì cũng lo lắm ạ, do dịch ngày một phức tạp, khó lường, mà bản thân thì chưa được tiêm vaccine, ba mẹ em thì cũng lo cho con nên ngăn cản không muốn cho đi, nhưng nghĩ đến hoàn cảnh đất nước hiện tại và trách nhiệm của bản thân, em đã quyết tâm lên đường.”

Không có chuyên môn về lĩnh vực y tế, sinh viên LVCF vẫn sẵn sàng và khi có cơ hội được đóng góp cho việc phòng chống dịch bệnh là các bạn tham gia ngày. Tham gia một nhóm thiện nguyện với nhiệm vụ nhận cuộc gọi từ bệnh nhân; nhập thông tin; hỗ trợ bác sĩ theo dõi sức khỏe bệnh nhân trong quá trình điều trị tại nhà; hỗ trợ liên hệ oxy và cấp cứu cho bệnh nhân khi cần; Hoàng Diệu (Đại học Cần Thơ) chia sẻ “Khoảng thời gian qua đã để lại trong em dấu ấn khó quên. Trong năm tháng tuổi trẻ, em đã đóng góp được phần nhỏ vào công cuộc phòng chống Covid 19 của cả nước. Lúc mới nhận việc, em cảm thấy khá áp lực và hơi ám ảnh vì cuộc gọi đến từ bệnh nhân rất nhiều và tình trạng sức khỏe của họ đôi khi rất tệ. Trong suốt quá trình điều trị, em có thể cảm nhận được quá trình chiến đấu dũng cảm của từng bệnh nhân và sự hồi phục từng ngày của họ. Mỗi khi bệnh nhân báo kết quả âm tính trở lại, em rất vui và cảm thấy những nỗ lực của mình được đền đáp xứng đáng. “

Những ngày đầu khi dịch bệnh bùng phát, Ký túc xá ĐHQG – HCM được chọn để trở thành nơi cách ly và sau này trở thành bệnh viện dã chiến; thay vì chọn cách rời đi như đa số các bạn sinh viên, Mỹ Huyền (Khoa Y, ĐHQG – HCM) chọn cách ở lại để trở thành một tình nguyện viên nơi đây. Huyền nói ” Cảm xúc của em rất hỗn loạn, bởi vì vui có buồn có, hồi hộp có. Hồi hộp là những ngày cả đội làm xét nghiệm xem đội hình còn ổn không, sợ anh chị em bị nhiễm và thiếu lực lượng chống dịch. Em vui vì được trải nghiệm thực tế, học hỏi kỹ năng lãnh đạo và làm việc tận tâm hết lòng vì người bệnh của đồng nghiệp mình. Nhiều lúc nửa đêm, vẫn có tiếng còi xe cấp cứu vang lên, chở người tới, họ là công nhân, vừa làm xong công việc ở xưởng thì bị chở đi luôn vì nghi nhiễm. Nhiều người mua vội ổ bánh mì ngọt, nhiều người vẫn còn chưa ăn tối và đói lắm, nhiều người bỏ con nhỏ ở nhà và thậm chí không có quần áo đem theo. Lúc này chúng em gom tất cả lương thực của mình như sữa, bánh, mì để hỗ trợ bà con. Nhiều lúc ở lại bệnh viện dã chiến, em xem phóng sự, xem đường phố Sài Gòn vắng lặng, em khóc rất nhiều và chỉ hi vọng mình không bị dương tính để đóng góp chút sức lực vào thời điểm lịch sử này”.

Chấp nhận trở thành tình nguyện viên chống dịch là chấp nhận nguy cơ mình có thể bị phơi nhiễm và trở thành F0 bất cứ lúc nào. “Mới đầu vào bệnh viện dã chiến,  em đã chuẩn bị tâm lí sẽ dương tính bất cứ lúc nào. Nhưng khi nhận tin dương tính, thì bản thân vẫn sốc. Nhưng em nghĩ trong cái rủi cũng có cái may, cái may là bản thân em khi tự giúp mình vượt qua căn bệnh, nó giúp em có thể hiểu và đồng cảm hơn với bệnh nhân” và đó cũng là câu chuyện của Diệu Thiện (ĐH Y Dược TP.Hồ Chí Minh) chia sẻ khi đang phỏng vấn cùng Hội đồng tuyển sinh Học bổng Lương Văn Can, năm học 2021 – 2022 và ở ngay tại bệnh viện dã chiến nơi em điều trị Covid-19.

Những ngày đi lấy mẫu cộng đồng, những ngày hỗ trợ đội ngũ bác sỹ theo dõi, kiểm tra sức khỏe bệnh nhân, những ngày hỗ trợ tiêm vacxin rồi sẽ trở thành những điều đã qua nhưng những ký ức, cảm xúc của những ngày tham gia chống dịch sẽ trở thành dấu ấn không bao giờ phai nhạt trong tất cả những ai đã một lần khoác lên mình bộ đồ bảo hộ PPE.

Cũng giống như nhiều sinh viên y khác, khi được sự điều động của trường, Thanh Sơn (Đại học Y Dược Cần Thơ) đã cùng bạn bè nhanh chóng lên đường chi viện tại TP Hồ Chí Minh. Bạn chia sẻ “Mỗi ngày đối với em đều là những kỷ niệm đáng nhớ thời sinh viên cả. Điều làm em nhớ nhất có lẽ là ánh mắt của một đứa bé đứng một mình ngồi đợi lấy mẫu. Con đeo chiếc khẩu trang chỉ để lộ đôi mắt trong và có chút sợ hãi. Con ngồi ghế và hỏi mình là ai. Vì hàng người chờ phía sau nên mình chỉ cười bảo là con hãy ngồi im cho chú lấy mẫu xíu thôi nhe. Con rất nghe lời, khó chịu thật nhưng vẫn cố bấu 2 góc quần, đôi mắt rưng rưng. Thật là thấy thương. Con đứng dậy, nhìn em và nói sau này con cũng sẽ như chú!”

Trong tất cả các sinh viên LVCF tham gia chống dịch, nếu nói tham gia “trực tiếp” nhất, “sâu sắc” nhất thì không thể nào không nhắc đến Bác sĩ nội trú – Trần Mai Hồng Ngọc (Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch). Vừa là nguyện vọng cá nhân, vừa là được phân công tham gia công tác điều trị trực tiếp cho bệnh nhân Covid trung bình – nặng tại khoa Covid A3 của BV Nhân dân Gia Định; nhưng những ngày đầu phải đảm nhận vị trí trưởng tua trực đối Hồng Ngọc quả thật là quá nặng nề đối với một bác sỹ non nớt như em và cũng không tránh khỏi nỗi lo đối mặt với sự mất mát và phải nhìn bệnh nhân ra đi. Với Ngọc thì tham gia hàng ngũ tuyến đầu chống dịch vừa  là trách nhiệm, là niềm tự hào và vinh dự của nhân viên y tế.

Khi được hỏi về giá trị lớn nhất mà bạn nhận được sau quá trình tham gia tình nguyện chống dịch; Ngọc chia sẻ: “Em học được rất nhiều thứ, nhưng em nghĩ cái giá trị nhất là sự trưởng thành. Em chỉ là một bác sĩ Nội trú, vào nghề chưa đầy hai năm, trước khi ra tuyến đầu thì ở các khoa em chỉ là bác sỹ non trẻ và lúc nào cũng có đàn anh đàn chị bảo bọc che chở. Cảm giác lúc đó của em rất sợ, cái sợ nhất không phải bị khiển trách mà sợ không đủ năng lực làm hại bệnh nhân, làm hại tập thể. Sau gần hai tháng ở cương vị này, em đã tự lập hơn, điềm tĩnh hơn, cũng quyết đoán và tự tin hơn. Gần hai tháng qua là khoảng thời gian quá đặc biệt với em, đặc biệt áp lực, đặc biệt ý nghĩa và em đã trưởng thành rất nhiều. Chỉ có điều là em vẫn rất nhớ nhà và nhớ đồ ăn mẹ nấu”

Còn với Như Quân (Đại học Giao thông Vận tải TP.HCM) thì giá trị lớn nhất mà bạn nhận được sau quá trình tham gia tình nguyện chống dịch chính là bài học trân trọng và sự biết ơn. “Em nhận ra bản thân mình vẫn còn may mắn hơn rất nhiều người trong cuộc sống này. Có lẽ đối với em mỗi ngày trôi qua đều rất bình thường, an bình nhưng đối với những người khác, đó lại là một ngày mà các Bệnh nhân và người nhà bệnh nhân đang phải chiến đấu, đấu tranh để giành giật lấy sự sống cho bản thân từ căn bệnh COVID, và hơn nữa có biết bao nhiêu các y bác sĩ, những người tham gia tuyến đầu chống dịch đang phải làm việc hết mình không ngại khó khăn, mệt mỏi, nguy hiểm để giúp đỡ cho cộng đồng. Em cảm thấy rất biết ơn và trân trọng vì những điều đó.”

Nếu trưởng thành được định nghĩa là khi con người hiểu sâu sắc ý nghĩa của 2 chữ “Cho đi”, ý nghĩa của sự sẻ chia, của tình cảm giữa người với người, của tinh thần đồng đội, của sự nghiêm túc, cái tâm cho công việc và một thái độ làm việc kỷ luật thì LVCF tin rằng giá trị lớn nhất mà tất cả các bạn nhận được khi quyết định trở thành tình nguyện viên chống dịch không còn nằm ở cảm giác được đóng góp sức mình cho cộng đồng xã hội nữa mà đó chính là sự trưởng thành thật sự.

Bài viết, hình ảnh: Ban điều hành Quỹ hỗ trợ tài năng Lương Văn Can
Đồ họa: Tấn Phú