HIỂU MÌNH để THƯƠNG MÌNH nhiều hơn

HIỂU MÌNH – THƯƠNG MÌNH là tên gọi khóa học được Quỹ hỗ trợ tài năng Lương Văn Can (LVCF) tổ chức lần đầu tiên trong năm học 2020 – 2021. Đây là khóa học có tính chất giáo dục tâm lý (psycho-education) và cung cấp các kiến thức khoa học trong lĩnh vực tâm lý học và khoa học thần kinh.

Góc nhìn khoa học về SUY NGHĨ – CẢM XÚC – HÀNH VI

Theo tiếp cận nhận thức – hành vi thì khi có một sự kiện nào đó xảy ra, ngay lập tức trong suy nghĩ của chúng ta sẽ xuất hiện các diễn giải về sự kiện, từ đó làm xuất hiện các cảm xúc thôi thúc chúng ta hành động đáp trả cho sự kiện đó. Thông thường thì quá trình này diễn ra rất nhanh, thậm chí chúng ta chỉ có thể nhận ra mình đã có suy nghĩ gì và cảm xúc gì ở thời điểm sau khi chúng ta đã hành động để đáp trả. Chính vì lẽ đó, đôi khi chúng ta thường “muốn một đằng – làm một nẻo”, đây cũng là các rào cản về mặt tâm lý ngăn cản mỗi người chúng ta đạt được điều mình muốn cũng như gây ra các khó khăn về mặt cảm xúc. Để thay đổi điều này, các nhà tâm lý học theo trường phái này tin rằng khi tác động vào bất cứ và làm thay đổi một yếu tố nào thì cũng sẽ dẫn đến sự thay đổi của các yếu tố còn lại.

Mô hình Nhận thức - Hành vi được giới thiệu trong khóa học

Đây cũng là nội dung chính trong buổi đầu tiên của khóa học (14/3) với tên gọi Tôi hành xử theo cách tôi tin của Tâm lý gia Huỳnh Hiếu Thuận. Để từ đó, trên nền tảng này, các buổi học sau sẽ thực hiện nhiệm vụ là giới thiệu các công cụ, cách thức để góp phần thay đổi 1 trong 3 yếu tố SUY NGHĨ – CẢM XÚC – HÀNH ĐỘNG.

Buổi học thứ hai (21/3) với tên gọi Tôi hay biết những điều đang xảy ra – Ths. Bác sỹ Nguyễn Trung Nghĩa đã giới thiệu đến các bạn sinh viên tham gia các kiến thức cơ bản về nền tảng khoa học thần kinh của sự tỉnh thức (Mindfulness) và ý nghĩa của việc thực hành chánh niệm. Bằng cách duy trì tực hiện các bài tập này, chúng ta có khả năng gia tăng năng lực nhận biết các suy nghĩ, cảm xúc đang chi phối những hành động của bản thân.

Cách mà chúng ta diễn giải mọi thứ xung quanh và quy trách nhiệm cho ai đó hay cái gì đó là nguyên nhân của sự việc hiện tượng đến từ những niềm tin cốt lõi bên trong đã được hình thành và bén rễ thông qua những trải nghiệm trong quá khứ. Có những niềm tin cốt lõi có tính phi lý như “Tôi là một đứa bất tài vô dụng” hay “Tôi không xứng đáng được yêu thương” làm chúng ta có xu hướng quy trách nhiệm và phán xét chính bản thân mình mỗi ngày nhiều hơn. Nhận ra những niềm tin phi lý này và tìm cách thay đổi điều này thông qua việc thực hành trắc ẩn với bản thân (Self Compassion) chính là nội dung cùa buổi học thứ 3 (28/3) với tên gọi Tôi – Quá khứ, Hiện tại, Tương lai với sự dẫn dắt của ThS. Võ Nhật Huy và Chị Lê Thị Toàn.

Trong buổi học cuối cùng (04/4) diễn ra trong trọn vẹn 1 ngày; Ths. Nguyễn Thị Ngọc Giàu đã giúp các bạn tham gia hệ thống và kết nối lại các kiến thức đã được học cũng như giới thiệu các các phương pháp để làm việc với cảm xúc của chính mình, đặc biệt là các “cảm xúc khó” thông qua chủ đề Tôi sống cùng cảm xúc của chính mình. Bên cạnh việc thay đổi suy nghĩ và hành vi thì để điều hòa cảm xúc, chúng ta cần học cách giải phóng cảm xúc “tiêu cực”, nuôi dưỡng cảm xúc “tích cực” và quan trọng là chấp nhận và chuyển hóa các cảm xúc khó. Các bài tập với tên gọi Chạm vỗ về, Phát triển câu thần chú trắc ẩn với bản thân đã thu hút sự tham gia tích cực của các bạn Sinh viên.

Hãy tập thể dục trước khi bị bệnh thay vì đợi đến bệnh rồi mới tập thể dục

“Qua 4 buổi học cuối tuần đầy thú vị, em cảm thấy bản thân đã có một số chuyển biến tích cực hơn. Em hiểu được và chấp nhận những cảm xúc khó của bản thân. Em sẽ cố gắng để tiến thêm một bước nữa đó là chuyển hoá những cảm xúc khó đó thành năng lượng tích cực để mỗi ngày thức dậy đều là mỗi ngày vui vẻ.”  (Bạn Huỳnh Uyển Nhi)

“Khóa học này, là một trải nghiệm hoàn toàn mới của em. Đối với em, Hiểu mình – Thương mình, biết mình là ai và có kỹ năng quản trị cảm xúc là một điều cực kỳ quan trọng. Điều mà em đúc kết được, qua toàn bộ bài học, chính là đáp án của 3 câu hỏi cuối khóa: Ở đây ngay lúc này, người quan trọng nhất là người đang bên bạn và hãy tử tế yêu thương người bên bạn. Em ngộ ra rất nhiều sự kết nối từ bản thân mình với người xung quanh. Em cảm ơn các anh chị diễn giả đã dành hết lòng, hết thời gian trọn vẹn cho chúng em những bài học hay, đáng nhớ và ý nghĩa sâu sắc cho cuộc sống của chúng em tốt hơn.” (Bạn Lương Thị Mỹ Huyền)

“Em cảm thấy rất vui và hạnh phúc khi được tham gia khóa học này cùng với mọi người và diễn giả. Qua đây thì em đã học được nhiều bài học quý giá và những bài tập thực hành để quản lý cảm xúc tốt hơn. Việc kiểm soát cảm xúc đúng là không dễ dàng nhưng sau khi hoàn thành khóa học thì em cảm giác việc đó sẽ dần được giải quyết. Chị Giàu có nói: “Hãy tập thể dục trước khi bị bệnh thay vì đợi đến bệnh rồi mới tập thể dục”. Việc em cần làm là thực hiện lại các bài tập mỗi ngày để nó có thể trở thành một thói quen. Cảm ơn các anh chị trong Quỹ và các diễn giả đã tạo ra một khóa học đầy ý nghĩa.” (Bạn Vũ Mộng Hoàng Yến)

Đó cũng chính là những chia sẻ chân thành của các bạn Sinh viên sau khi tham gia khóa học. LVCF tin rằng khóa học đã gieo đến các bạn những hạt mầm quan trọng của hiểu biết đúng, sự tỉnh thức, lòng tự trắc ẩn,… để từ đó mỗi bạn sẽ làm duy trì công việc tưới tẩm để từ đó hạt mầm sẽ được phát triển.

Hy vọng rằng sau khi kết thúc khóa học, mỗi sinh viên tham gia sẽ sẵn sàng thực hành các bài tập cho chính mình trong đời sống hàng ngày; cởi mở hơn với những cảm xúc khó xuất hiện trong bản thân để từ đó có thể nhận biết và tập cách tháo gỡ những rào cản tâm lý; trở nên tự tin hơn vào bản thân, biết cách yêu thương bản thân và tích cực hơn với những tình huống của cuộc sống.

Một số hình ảnh của khóa học

Bài viết và Hình ảnh:  Team truyền thông CLB Sinh viên Lương Văn Can